Cùng là tiếng Anh nhưng vì đặc trưng của mỗi quốc gia mà việc sử dụng có phần khác biệt chút ít.
>> Xin Visa định cư tại Úc theo diện tay nghề
Cùng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh nhưng có chút khác biệt
Khi được hỏi “Cô làm ơn chỉ dùm toilet (nhà vệ sinh) được không ạ”, người phục vụ tại một nhà hàng Việt Nam ở khu Little Sài Gòn có vẻ hơi ‘ngớ người’ chưa hiểu. ‘Thổ công’ tại Mỹ thấy vậy phải đỡ lời liền: “Rest room đó chị.”
Đối với du khách, một vài từ ngữ đã quen sử dụng tại Úc nay sang Mỹ thì phải điều chỉnh cho đúng với người địa phương và cũng để hợp với thành ngữ của người Việt ta: ‘Đi nước Lào ăn mắm ngóe’ hoặc như câu ngạn ngữ bắt nguồn từ tiếng La Tinh mà người Tây Phương thường nói: ‘Khi ở La Mã hãy hành xử như người La Mã.’ (When in Rome, do as the Romans do)
>> Mỹ sẽ cấp Thẻ xanh cho du học sinh
Nguyên nhân khác biệt
Tại Mỹ, sự khác biệt về miền hoặc khu vực sinh sống hay chủng tộc là một trong những nguyên nhân chính đưa tới sự khác biệt về giọng nói. Cũng như bất kỳ nước nào khác, ở Mỹ có nhiều giọng khác nhau nhưng để tóm gọn, người ta hay đề cập tới giọng ‘General American’ để phân biệt với tiếng của người miền Nam giọng ‘Southern American’. Người Mỹ da đen gốc Châu Phi nói giọng ‘African American English’ có phần khác với người Mỹ da trắng hoặc da vàng.
Trong khi đó, về phương diện ngữ âm học, giọng Úc được phân làm ba loại: Broad, General và Cultivated English accent. Khoảng 10% người Úc nói giọng ‘Broad Australian’ (ví dụ cựu Thủ tướng Bob Hawke), 80% nói giọng General Australian (nữ tài tử Nicole Kidman) và phần còn lại, 10%, là Cultivated British English (cựu Thủ tướng Malcolm Fraser).
Nhìn chung, tại Úc giọng nói không khác biệt nhau nhiều do sự khác biệt về vùng miền địa lý như ở Hoa Kỳ hay Việt Nam mà thường là do trình độ hoặc nguồn gốc xã hội, văn hóa hay giáo dục của người nói. Nói chung, dân thành thị và nông thôn Úc cũng như dân các tiểu bang khác nhau nói cùng một giọng và nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy khi nói tiếng Anh con cái sinh ra tại Úc trong các gia đình di dân không chịu ảnh hưởng giọng di dân của cha mẹ.
Những ai đã quen với cách phát âm của người Úc nay nghe người Mỹ nói sẽ cảm nhận được rõ sự khác nhau giữa tiếng Úc và tiếng Mỹ. Trẻ em rất nhanh nhạy trong vấn đề này khi các em trực tiếp tiếp xúc với các bạn đồng lứa tuổi hoặc nghe người không phải nước mình phát âm.
Chẳng thế mà ngay khi vừa đặt chân xuống đất Mỹ, sau khi nghe người chung quanh nói chuyện, một ‘Úc con’ nọ nói với bố: “Ba nhớ nhá, ở đây người ta không gọi ‘mum’ mà là ‘mom’, không nói ‘centre’ mà là ‘center’ với chữ ‘r’ phải nói rõ ra chứ không nhỏ (âm câm) như ở Úc mình”. Hay phát âm ‘t’ giữa tiếng Úc và tiếng Mỹ khác nhau: người Úc (và cả người Anh) đọc water (nước), metal (kim loại) với âm ‘t’ thì người Mỹ đọc thành âm ‘đ’ rất rõ.
>> Học bổng Úc và những điều cần lưu ý
Cách viết
Nói chung, về viết thì sự khác biệt giữa tiếng Úc và tiếng Anh tuy cũng có nhưng không rõ lắm như khác biệt về giọng nói.
Việc người Mỹ viết các chữ những chữ cuối của nhiều từ là ‘our’ thành ‘or’ hay ‘ise’ là ‘ize’ hoàn toàn khác biệt với người Anh hay người Úc có lẽ nhiều người đã biết. Ngoài ra so với người Úc, người Mỹ cũng thường hay gom gọn chữ lại hơn, miễn sao dễ hiểu, nhờ thế ngôn ngữ được sử dụng một cách linh hoạt, nhẹ nhàng, chẳng hạn một số người Úc (và người Anh) nói ‘I take my dog for a walk’ (tôi dẫn chó đi dạo) thì người Mỹ thường nói ‘I walk my dog.’
Trong hơn 30 năm định cư tại Hoa Kỳ, người Việt cũng sử dụng một số từ ngữ đã được Việt hóa hoặc dựa trên tiếng Mỹ, kết hợp với tiếng Việt để thành ra những từ nghe quen tai người Việt ở đó. Chẳng hạn kết hợp động từ ‘đi’ với danh từ ‘mall’ (khu mua sắm) thành ‘đi mall’ để chỉ việc đi mua sắm, đi ‘chợ’ (người Việt tại Úc nói ‘đi shop’). Còn ‘đi lát’ hoặc ‘đi las’ có nghĩa là đi thăm viếng hoặc đánh bài tại Las Vegas. Người Việt tại Mỹ còn dùng từ ‘dân Xì’ để chỉ người Mexico, vốn sống rất nhiều ở Mỹ. Có lẽ âm ‘xi’ trong chữ Mexico đã được nghe và Việt hóa thành ‘xì’ chăng?
Football
Có những chữ hoặc từ cả Úc lẫn Mỹ dùng giống nhau nhưng thực tế lại hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn môn ‘football’ của Mỹ và Úc là hai môn chơi có luật lệ và cách chơi không giống nhau. Khi đối chiếu ‘football’ của Mỹ và Úc với ‘football’ của FIFA thì ba môn này chẳng giống nhau chút nào. Chữ ‘football’ theo luật chơi của FIFA nếu dịch sang tiếng Việt là ‘bóng đá’. Nếu dịch ngược chữ ‘bóng đá’ của Việt Nam, tức môn thể thao vua, sang tiếng Úc thì phải gọi là ‘soccer’.
>> Tư vấn du học Úc – Cạnh tranh bằng hiệu quả đích thực
Nếu đọc một bài báo bằng tiếng Anh trong đó có chữ ‘football’ thì phải xem kĩ bài báo đó đang nói về ‘football’ ở nước nào nhé.
Chưa nói tới sự khác biệt giữa ba nước Úc, Việt, Mỹ trong môn chơi ‘football’, ngay trong tiếng Việt, khi một trái banh lăn ra ngoài lằn ranh, thì người miền Bắc nói “Nhặt hộ quả bóng” thì người miền Nam “Lượm giùm trái banh”. Cùng một nước và cùng một động tác mà bên này ‘nhặt hộ’ còn bên kia ‘lượm giùm’ thì chuyện ‘quả bóng football’ ở nước này hình tròn còn ‘trái banh football’ ở nước kia hình bầu dục thì cũng đâu có gì là lạ!
Theo Việt Úc News
Ông Nguyễn Xuân Thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du học UE. Với sứ mệnh giúp cho các bạn trẻ tại Việt Nam vươn ra biển lớn để học hỏi, thành công quay về xây dựng Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Trong 19 năm qua, ông đã tư vấn, định hướng du học cho hàng ngàn bạn trẻ đến học tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Anh, New Zealand,... Bằng kinh nghiệm, nhiệt huyết và khát vọng, ông tin rằng việc chia sẻ kiến thức du học tích lũy trong nhiều năm qua đã giúp được nhiều bạn trẻ của Việt Nam vươn ra biển lớn thành công!
Bài viết liên quan